Trang chủ » BÁNH DẺO TRUNG THU
BÁNH DẺO TRUNG THU

BÁNH DẺO TRUNG THU

Gác lại những ồn ào của cuộc sống, bộn bề của công việc, cùng gia đình và người thân quây quần đón một cái Tết Trung Thu thật ấm cúng. Thưởng bánh, uống trà chia sẻ với nhau khoảnh khắc ý nghĩa trong cuộc sống. Mỗi miếng bánh nướng, bánh dẻo thơm ngọt thay cho lời chúc tốt đẹp đầy tâm ý cho những người bạn yêu thương.

Cùng Nhà Cô Sen làm chiếc bánh xin xắn gởi đến gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp trong dịp lễ Trung Thu cùng những lời chúc tài lộc trọn vẹn nhất tới tới các bạn nhé!

 

Thành phần

 

  • Đường: 1200 gr
  • Bột bánh dẻo: 230 gr
  • Đậu xanh: 300 gr
  • Nước: 800 ml
  • Cốt chanh: 10 ml
  • Muối: 1 thìa cafe
  • Dầu ăn: 95 ml
  • Hương nước hoa bưởi (hương cam, hương vani): 15 ml

 

Hướng dẫn

 

Làm bánh dẻo – nếu không tính công sên nhân – thì cực sướng. Bởi không cần nấu trước nước đường, không cần nướng, không cần đợi quét trứng mấy lần… chỉ phải trộn bột và đóng khuôn là xong. Nhàn và dễ tới mức cảm giác như không thể đơn giản được hơn nữa.

một số vấn đề khi làm bánh dẻo mà nếu không có sự linh hoạt trong lúc làm bánh, có thể sẽ vấp phải như là bột bánh quá nhão hoặc quá cứng, không đóng được khuôn, hoặc đóng xong thì mất nét. Đa số các vấn đề này đều có thể giải quyết bằng việc trộn bột đúng cách. Để cả nhà tiện hình dung thì Sen đã quay lại video làm bánh dẻo. Ngoài ra, trong bài viết cũng có một số lưu ý, các bạn xem kĩ nhé.

  1. Bánh dẻo muốn để được lâu thì phải ngọt (cả vỏ bánh và nhân bánh). Nước đường của một số công thức bánh dẻo truyền thống có thể dùng 0.5 – 0.6 kg nước cho 1 kg đường. Tỉ lệ nước : đường theo công thức này là 0,7: 1, bánh vẫn ngọt nhưng không quá ngọt tới mức không thể ăn được. Bánh có thể để ở nhiệt độ phòng (20 – 23 độ C) trong 3- 5 ngày.
  2. Nhân bánh:  có thể dùng bất kì loại nhân nào tùy thích như nhân sữa dừa, nhân cốm, nhân đậu đỏ, thêm các loại hạt v...v. Với bánh dẻo, nếu muốn để lâu, nên làm nhân nhiều đường và nhiều dầu ăn hơn một chút và quan trọng nhất là sên thật kĩ ở lửa nhỏ. Sen mất 1 tiếng cho việc sên nhân
  3. Vỏ bánh: Bột bánh dẻo được làm bằng cách nổ gạo nếp thành bỏng rồi xay mịn, không có bột thay thế. Tự rang gạo nếp sống tại nhà sẽ không ra được loại bột tương tự. Nếu hấp gạo nếp lên, mùi vị bánh sẽ khác, giống Mochi của Nhật Bản hơn là bánh dẻo Việt Nam. Cách làm mời các bạn xem cách làm cụ thể trong video. Nhớ bật chế độ HD (ở hình bánh xe góc dưới bên phải màn hình) để xem clip được rõ nét hơn nhé.
  4. Với bánh dẻo thì phải trộn bột đúng cách bánh mới nét, dẻo, cụ thể là:
    + Chỉ nên trộn bột tới khi bột thành khối nhưng vẫn hơi ướt và nhão. Sau đó để bột nghỉ cho bột nở ra rồi mới tiếp tục thêm bột khô và nhồi tiếp.
    + Nếu ngay từ đầu đã cho nhiều bột, đủ để khối bột không dính tay thì khi bột nở thêm, khối bột sẽ trở nên quá dẻo và cứng. Kết quả là đóng bánh khó ăn nét, bánh dễ mất nét và để qua ngày dễ bị cứng (do quá nhiều bột).
    + Mỗi loại bột ( bột mới & bột cũ) có độ hút nước khác nhau nên lượng bột cần dùng trong công thức có thể thay đổi từ 38-45 gram hoặc nhiều hay ít hơn, tùy loại. Vì vậy nên khi làm các bạn cần linh động điều chỉnh, theo dõi tình trạng bột để dừng lại đúng lúc, không nên làm theo công thức một cách cứng nhắc.
  5. Tỉ lệ vỏ : nhân của bánh dẻo thường là 2 vỏ : 1 nhân. Nên làm bánh to hơn khuôn một chút, khi ấn khuôn sẽ đầy đặn và bánh đẹp, nét hơn. VD trong video mình làm bánh cho khuôn 75 gram, mình dùng 20 gram nhân và 58 gram vỏ bánh. Với bánh dẻo Sen khuyên bạn nên chọn các loại khuôn có họa tiết, hoa văn to và vết khắc sâu, sẽ đẹp hơn là các khuôn có họa tiết nhỏ.
  6. Nếu trộn bột đúng cách thì bánh sẽ rất dễ đóng khuôn và dễ nét. Hơn nữa, càng để qua ngày thì bánh càng ngon. Bánh sau khi đóng xong ăn thử cảm giác sẽ giống như đường trộn với bột, rất ngọt. Sau một ngày, vỏ bánh chuyển trong hơn, dẻo và chắc hơn, và ăn cũng thấy ít ngọt như ăn đường như ngày đầu.

 

Chúc các bạn thành công với cách làm đơn giản chi tiết của Nhà Cô Sen